Huyện Hoằng Hóa nỗ lực trong chuyển đổi số và xây dựng mô hình "3 không"

Đăng lúc: 15:09:56 26/09/2024 (GMT+7)

Ngày 11/7/2024, tại Quyết định số 2921/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về công bố và xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023, UBND huyện Hoằng Hóa đứng thứ 3 bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số các huyện, thị xã, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022. Đây có thể xem là “con số biết nói” ghi nhận những nỗ lực của huyện trong mục tiêu Chuyển đổi số cấp huyện, tạo đà cho những kết quả đầy tự hào công tác Chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền số

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Hoằng Hóa quan tâm thực hiện và đạt được hiệu quả thiết thực. Hệ thống Quản lý văn bản và HSCV hoạt động ngày càng hiệu quả, các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 15/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh 100% văn bản tiếp nhận và xử lý, ban hành ký số trên môi trường mạng ( Trừ VB mật). Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ UBND huyện với UBND tỉnh; UBND huyện với UBND cấp xã được triển khai hiệu quả.


CĐS trong cải cách thủ tục hành chính.jpg
CĐS trong cải cách thủ tục hành chính

 

Hệ thống thông tin một cửa thực hiện tốt với 100% hồ sơ cấp huyện, cấp xã được tiếp nhận, giao xử lý trả kết quả trên hệ thống. 100% TTHC dịch vụ công trực tuyến một phần, dịch vụ công trực tuyến toàn trình triển khai thực hiện theo đúng quy định. Việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ BCCI cho người dân, tổ chức được thực hiện tốt. 6 tháng đầu năm, đã thực hiện tiếp nhận 209 hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 814 hồ sơ. Hệ thống thư điện tử công vụ và mô hình phòng họp không giấy tờ trở thành nề nếp. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo trong triển khai kinh tế số

Huyện Hoằng Hóa đã Hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhờ đó 100% các sản phẩm OCOP trên địa bàn và 95 sản phẩm lợi thế đã được quảng bá, tiếp thị và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; Huyện cũng triển khai rộng rãi việc thanh toán điện tử, nhờ đó, một số dịch vụ đang được người dân ứng dụng thanh toán điện tử qua thẻ, ví điện tử, điện thoại thông minh, cổng thanh toán điện tử (website thương mại điện tử) để thanh toán hoá đơn điện, nước, cước viễn thông, mua hàng online,...ngoài ra hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua sử dụng hóa đơn điện tử và các ứng dụng nền tảng số như Agribank EMobile Banking; Hóa đơn điện thử; Phần mềm Kế toán, nền tảng Zalo OA…

Xây dựng xã hội số thân thiện và hiện đại

Thời gian qua, huyện Hoằng Hóa đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như: thẻ BHYT, BHXH, dịch vụ công, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet…đồng thời hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Việc duy trì, triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng mô hình:"Camera Nhân dân với an ninh, trật tự" để thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự; duy trì hiệu quả kênh giao tiếp với người dân thông qua hệ thống Zalo đã giúp trao đổi giữa các cơ quan chính quyền với người dân để tháo gỡ khó khăn và trao đổi thông tin một cách thuận lợi và nhanh chóng. Huyện cũng triển khai cho người dân cài đặt và sử dụng nền tảng số thông qua App HoanghoaS (Hệ thống thông tin hỗ trợ chuyển đổi số HoangHoaS) để nâng cao hiệu quả ứng dụng trên các trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Cùng với đó là triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để triển khai tạo lập tài khoản, cấp chữ ký số cho người dân. Huyện Hoằng Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ việc cài đặt chữ ký số cho người dân, đến nay Hoằng Hóa đang nằm trong tốp đầu của tỉnh về thực hiện cái đặt chữ ký số cá nhân trên địa bàn huyện.


Hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số tại xã Hoằng Xuân.jpg
Hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số tại xã Hoằng Xuân

 

Hoằng Hóa cũng biết phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trong tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử.

Công tác đảm bảo An toàn thông tin được Hoằng Hóa hết sức chú trọng. Công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu để xây dựng báo cáo và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị được tăng cường. Việc chú trọng bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao cũng là một trong những yếu tố quan trọng được huyện quan tâm, chú trọng.

Song song với chỉ đạo và thực hiện công tác Chuyển đổi số cấp huyện, mô hình “3 không” được huyện Hoằng Hóa chỉ đạo song hành. Đến nay huyện Hoằng Hóa có xã Hoằng Đồng đã hoàn thành việc xây dựng mô hình “3 không” và đang chỉ đạo thực hiện tại 13 xã. Mô hình "3 không" gồm: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính 100% trên môi trường mạng, không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.

Từ những hiệu quả thiết thực đạt được khi triển khai thành công mô hình “3 không” Hoằng Hóa đang tiếp tục nhân rộng mô hình ra các  xã trên địa bàn. Hiện, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo các xã hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) cấp xã năm 2024 theo kế hoạch đề ra gắn với mô hình “3 không”; chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo mô hình “3 không”.

Để thực hiện mô hình, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, tổ công nghệ số cộng đồng các xã còn có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân cài đặt ví điện tử, chữ ký số điện tử trong sử dụng dịch vụ công; thông qua nền tảng số sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, gửi/nhận văn bản với cơ quan Nhà nước...

Để triển khai thực hiện tốt mô hình “3 không” tại các xã, thị trấn, UBND huyện đã giao các đơn vị chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng, người dân sử dụng các nền tảng số, tập trung triển khai mô hình “3 không” nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ CĐS gắn với thực hiện mô hình “3 không” trên địa bàn”.

Với những kết quả đạt được, huyện Hoằng Hóa vẫn đang nỗ lực không ngừng cho công tác Chuyển đổi số trên địa bàn huyện, giữ vững vị trí tốp đầu và hướng tới mục tiêu Chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập./.

Minh Hiếu - Trung tâm VHTTTT&DL

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc