tuyên truyền luật cư trú

Đăng lúc: 10:48:15 06/04/2023 (GMT+7)

Luật Cư trú được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, thay thế Luật Cư trú 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cụ thể một số nội dung cơ bản của Luật Cư trú như sau:

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN VỀ CƯ TRÚ

1. Quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú.

1.1. Công dân có quyền tự do cư trú. Những nội dung của quyền này được quy định tại Điều 8 Luật Cư trú năm 2020, gồm có:

- Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật Cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

- Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.

- Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

1.2. Gắn với quyền, công dân  có những nghĩa vụ về cư trú được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Cư trú năm 2020.

- Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.

- Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

2. Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú

- Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

- Người không thuộc trường hợp nêu trên nêu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật Cư trú thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.

- Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.

- Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.

- Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề  cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.

Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.

- Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên cùng ở và có quan hệ gia đình, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú./.

   Lê Văn Ý  - CCTP

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc