bài tuyên truyền về luật chăn nuôi

Đăng lúc: 14:04:01 21/03/2023 (GMT+7)

Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6thông qua Luật Chăn nuôi số32/2018/QH14. Luật này gồm 08 chương, 83 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020. Theo đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 có những điểm cần lưu ý như sau:


Câu 1. Phạm vi điều chỉnh của Luật chăn nuôi ?

Luật chăn nuôi điều chỉnh hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Câu 2. Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi ?

1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi;

b) Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.

2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;

b) Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;

d) Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;

đ) Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi;

b) Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác;

c) Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

Câu 3: Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi được qui định như thế nào.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi được qui định tại điều 12 luật chăn nuôi, bao gồm:

1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

7. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

9. Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

13. Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

14. Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Câu 4. Quy mô chăn nuôi được qui định như thế nào

Trả lời:  Quy mô chăn nuôi bao gồm các loại sau đây:

a) Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;

b) Chăn nuôi nông hộ.

Câu 5. Chăn nuôi trang trại được qui định như thế nào?

Trả lời:

1. Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi.

b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;

đ) Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;

e) Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

 

Câu 6. qui định về  chăn nuôi nông hộ

Trả lời.

Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;

2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Câu 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi

Trả lời:

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;

b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;

c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;

d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;

đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;

c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Câu 8. Quy định của luật chăn nuôi về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại như thế nào?

Trả lời:

1. Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.

2. Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;

b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;

c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

3. Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;

c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

4. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

5. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

   Câu 9. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ được qui định như thế nào?

Trả lời:

Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;

2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Câu 10. Xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi

Trả lời:

1. Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.

2. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.

 

Xác nhận của UBND                            Người viết bài  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc