Lịch sử Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu

Đăng lúc: 15:07:05 14/11/2022 (GMT+7)

Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu, nằm ở phía Đông Nam huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng đất địa linh nhân kiệt, bên cửa biển Lạch Trào (một nhánh của sông Mã đổ ra biển Sầm Sơn).

 

Lược sử

Theo các tư liệu còn lại cho biết: Chùa Trào Âm được xây dựng từ thời Lý (Thế kỷ XI – Thế kỷ XIII)

Chùa Trào Âm trong tâm tưởng của các vị trưởng lão 80 – 90 tuổi (đi lễ Phật khi còn rất bé) cho biết: chùa Trào xưa nguy nga, bề thế trong khu đất rộng 2,5ha, tại thôn Phú Lễ, xã Hoằng Lưu. Chùa kết cấu theo hình chữ Nhị (=). Toàn bộ khu chùa tới 26 gian, có chuông lớn, trống lớn, với 42 pho tượng Phật, tượng Thánh Tăng….

Chùa có vườn tháp của các đời sư trụ trì. Khai sáng ngôi chùa là Hòa thượng Thích Minh Lãng quê ở ngoài Bắc. Vị trụ trì sau, viên tịch tại chùa, nay vẫn còn lăng mộ là Hòa thượng Thích Trung Dũng quê ở Nghệ An. Chùa xưa có Tam Quan, quay về hướng Nam lấy sông Lạch Trào làm long mạch. Xa xa là dãy núi Trường Lệ (Sầm Sơn) làm tiền án. Trước kia là cửa biển Lạch Trào, quanh năm ầm ào tiếng sóng, nên chùa có tên là Trào Âm tự. Trong chùa có ban thờ Thành hoàng làng Phú Lễ. Sau này cửa chùa phối thờ thêm Tam tòa Thánh Mẫu và thờ Tứ vị Thánh nương. Chùa to, phủ lớn, có nét riêng, nhân dân cả vùng về kính lễ.

Giá trị lịch sử

Chùa Trào Âm còn là Di tích lịch sử Cách mạng. Nơi đây, cụ Nguyễn Chiến (Bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa) và cụ Nguyễn Trọng Khôi chỉ huy, mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ Việt Minh cho huyện và cho các thôn phía Đông tổng Bái Trạch. Trước kia ông Tố Hữu (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã đến tuyên truyền lệnh Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, phát động nhân dân tham gia phá kho thóc của Nhật ở xã Hoằng Quang (tháng 3-1945), tham gia lực lượng vũ trang.

Tại sân chùa Trào Âm, đội tự vệ chiến đấu được thành lập, cùng với tự vệ các xã trong huyện đấu tranh vũ trang giành lấy chính quyền về tay nhân dân vào tháng 7 năm 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Trào Âm là nơi tổ chức những sự kiện như: Mít tinh kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tuần lễ vàng, quyên góp cho Chính phủ kháng chiến, là nơi tuyển lựa và tiễn đưa hàng ngàn con em trong các xã quanh vùng lên đường nhập ngũ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Đây cũng là kho lương thực của Nhà nước…

Theo hành trình của hai cuộc kháng chiến, thời gian phôi pha, thiên tai mưa gió, ngôi chùa Trào Âm trở nên hoang tàn. Đồ thờ, tượng Pháp bị thất lạc… Bát hương đá, đá tảng kê cột, hạc thờ, ngai gỗ, hộp đựng sắc phong, mộ tháp sư Trung Dũng như chứng tích một thời uy nghiêm tĩnh lặng ngôi chùa lớn.

Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Phật tử và nhân dân mộ Phật và nhằm phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng, góp phần xây dựng truyền thống quê hương, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hoằng Lưu đã tổ chức xây dựng khu di tích Chùa – Đền của xã vào năm Tân Tỵ – 2001. Với sự hảo tâm của du khách đến kính lễ, Phật tử gần xa, những người con xa quê hằng tâm hằng sản cung tiến xây dựng lại chùa Trào Âm.

Chùa cảnh tuy còn đơn sơ, và các ban thờ Phật với các tượng pháp, đồ thờ tạo cho chùa Trào Âm có không gian văn hóa tâm linh, thu hút nhân dân trong vùng. Những người con quê hương đã lập quy hoạch, ủng hộ tịnh tài tịnh vật để xây dựng lại ngôi chùa xưa. Hy vọng rằng trong tương lai gần, chùa Trào Âm sẽ trở nên khang trang, bề thế, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và làm đẹp một vùng quê văn hóa. Chùa Trào Âm được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Tỉnh năm 2001.

·         Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc