Tuyên truyền sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Đăng lúc: 14:19:40 14/03/2023 (GMT+7)

Tuyên truyền sử dụng chất cấm trong chăn nuôi



ỦY BAN NHÂN DÂN

XÃ HOẰNG LƯU

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hanh phúc

 

Hoằng Lưu, ngày 14 tháng 3 năm 2023

 

THÔNG BÁO CỦA UBND XÃ

Về việc cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn xã

 

Kính thưa các đồng chí cán bộ Đảng viên cùng toàn thể nhân dân trong xã.

Để trên địa bàn xã  Hoằng Lưu không có hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo công tác vệ sinh ATTP, Ủy ban nhân dân xã thông báo đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn toàn xã một số nội dung sau:

1.    Quy định của địa phương:

Ủy ban nhân dân xã Hoằng Lưu nghiêm cấm các hộ sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản trên địa bàn xã. Các hộ vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

2.Tác hại của chất cấm trong chăn nuôi đặc biệt là chất Sa bu ta môn (Salbutamol) và chất Vát De lâu (Vat Yellow).

Chất vàng ô (VAT Yellow) được sử dụng phổ biến trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng và không được dùng trong thực phẩm vì đây là chất có khả năng gây ung thư ở người. Trong những năm gần đây người chăn nuôi sử dụng chất này để tạo mầu cho các sản phẩm chăn nuôi, tạo nên màu sắc đẹp, bắt mắt hấp dẫn người tiêu dùng.

Về chất  Sa bu ta môn là chất giúp gia súc tạo ra nhiều nạc hơn mỡ, màu thịt của gia súc sau khi giết mổ cũng tươi tắn hơn, bắt mắt người mua hơn. Khi người chăn nuôi sử dụng tuỳ theo liều lượng sử dụng mà ảnh hưởng lên thịt gia súc (chủ yếu là thịt heo) sẽ có khác biệt. Ở hàm lượng 3 ppm (phần triệu), thịt heo sẽ có nhiều nạc hơn ở lưng và có ít mỡ hơn, nhưng không có khác biệt về mức độ tăng trưởng (cân nặng). Ở mức 8 ppm, heo không chỉ tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc lưng mà khả năng thụ thai cũng cao hơn. Đến mức 15 ppm, heo không chỉ tăng chiều dài mà lớp mỡ lưng cũng giảm hẳn. Nếu salbutamol được dùng ở liều lượng thấp thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng bởi thuốc này sẽ được cơ thể sinh vật đào thải ra ngoài theo thời gian chủ yếu qua hệ bài tiết. Bên cạnh đó salbutamol sulfate chỉ tập trung nhiều ở gan và thận, có ít ở nạc và mỡ. Song nếu dùng nhiều thịt heo qua các năm, chúng sẽ có khả năng tích luỹ lại trong cơ thể người ăn ảnh hưởng đến sức khỏe con người như hiện tượng tức thời gây run rẩy, tim đập nhanh, đau đầu, khó thở, tăng đường huyết nhẹ, tụt kali trong máu và tăng số lượng bạch cầu. Sử dụng lâu dài gây teo buồng trứng ở nữ giới, teo tinh hoàn ở nam giới gây hiện tượng vô sinh.

Ngoài 2 chất trên còn chất Ci ta min (cysteamine) cũng được sử dụng nhiều trong chăn nuôi để kích thích tăng trọng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi. Việc sử dụng Ci ta min khiến các hormone tăng trưởng bị gia tăng đột biến, kéo theo chất IGF-1 gia tăng, làm tăng tồn dư IGF-1 trong cơ thể là chất có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt ở người.

     3. Quy định xử phạt nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi:

Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) Ðiều 317  quy định  về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây là vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, mức độ vi phạm nặng có thể đến 20 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

          Trên đây là một số nội dung thông báo của Ủy Ban nhân dân xã Hoằng Lưu yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn toàn xã nâng cao nhận thức về mức độ nguy hại của các chất cấm trong chăn nuôi đối với người tiêu dùng, không sử dụng đối với đơn vị, cá nhân mình. Nếu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.

 

Nguồn viết bài: Sưu tầm

Người sưu tầm: Nguyễn Văn Dân – CC. Văn hóa - XH

 

 

NGƯỜI DUYỆT BÀI

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

Trương Ngọc Thảo

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc