Quy định tổ chức tang lễ đối với cán bộ, đảng viên trong đảng bộ

Đăng lúc: 14:34:33 19/08/2024 (GMT+7)

Ngày 31/01/2024 Đảng ủy xã Hoằng Lưu ban hành Quy định số 01-QiĐ/ĐU về tổ chức lễ tang lễ đối với cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ với 2 chương, 10 điều như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng: Quy định này quy định tổ chức lễ tang đối với cán bộ, đảng viên trong đảng bộ xã.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức lễ tang.

- Việc tổ chức lễ tang thể hiện sự trân trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công lao, cống hiến của người từ trần.

- Tổ chức lễ tang phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp truyền thống văn hóa của quê hương, đúng với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về nếp sống văn hóa, lành mạnh, tiết kiệm.

- Linh cửu người từ trần không để quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ tang. Nếu gia đình để linh cửu người từ trần quá thời gian quy định sẽ không thành lập Ban tổ chức lễ tang.

Chương II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC LỄ TANG

Điều 3. Thông báo tin buồn: Khi đảng viên trong Đảng bộ từ trần chi ủy chi bộ có trách nhiệm thông tin cho Đảng ủy, để Đảng ủy ban hành thông báo tin buồn và cho thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Điều 4. Thẩm quyền tổ chức lễ tang.

1. Đảng ủy: Tổ chức Lễ tang cho các đồng chí nguyên Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã; các đồng chí Đảng ủy viên đương nhiệm, bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể đương nhiêm; Đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên.

2. Chi bộ: Tổ chức Lễ tang cho đảng viên trong chi bộ (trừ đối tượng nằm ở điểm 1, điều 4, chương II quy định này).

Điều 5. Thành lập Ban lễ tang.

1. Đảng ủy thành lập Ban lễ tang: Có từ 9 đến 13 thành viên gồm: Các đồng chí trong BTV Đảng ủy; đại diện HĐND; UBND; CT MTTQ, trưởng các đoàn thể; Chủ tịch hội quần chúng mà đảng viên sinh hoạt, đại diện chi ủy, đại diện dòng họ, gia đình người từ trần. Trưởng ban tổ chức lễ tang là đồng chí Bí thư hoặc phó bí thư Đảng ủy.

2. Chi bộ thành lập Ban lễ tang: Có từ 7 đến 9 thành viên gồm: Các đồng chí trong Chi ủy; trưởng thôn, trưởng Ban công tác mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội, đại diện dòng họ, gia đình người từ trần. Trưởng ban tổ chức lễ tang là đồng chí Bí thư Chi bộ.

Điều 6. Chuẩn bị điếu văn.

1. Lễ tang do Đảng ủy tổ chức: Ban Thường vụ Đảng ủy phối hợp với các tổ chức liên quan và gia đình soạn thảo điếu văn truy điệu người từ trần.

2. Lễ tang do Chi bộ tổ chức: Chi ủy chi bộ phối với văn phòng Đảng ủy, các tổ chức liên quan và gia đình soạn thảo điếu văn truy điệu người từ trần.

Điều 7. Trang trí lễ đài: Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ màu trắng “Vô cùng thương tiếc” (Đối với gia đình người từ trần có đủ không  trang trí).

Điều 8. Phúng viếng: Khi đảng viên từ trần Đảng ủy có 01 vòng hoa tươi, dãi băng đen có dòng chữ “Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Hoằng Lưu kính viếng” kèm theo số tiền 300.000 đồng (người từ trần thuộc đối tượng Đảng ủy tổ chức lễ tang), 200.000 (người từ trần thuộc đối tượng chi bộ tổ chức lễ tang).

Điều 9. Lễ truy điệu.

1. Thành phần dự lễ truy điệu gồm: Ban tổ chức lễ tang, đại diện các cơ quan tổ chức đã và đang công tác, bạn bè thân hữu và gia đình, dòng họ người từ trần.

2. Vị trí các đoàn dự lễ truy điệu (nhìn từ dưới lên lễ đài): Ban tổ chức lễ tang đứng hàng đầu, đứng sau Ban tổ chức lễ tang là gia đình đứng bên trái, các đồng chí lãnh đạo, đại diện các tổ chức, cơ quan đơn vị, cán bộ, đảng viên đứng bên phải; sau cùng là bạn bè thân hữu và nhân dân.

3. Chương trình lễ truy điệu.

- Ban tổ chức lễ tang phân công 01 đồng chí trong Ban, làm công tác tổ chức, đồng chí làm công tác tổ chức mời các thành phần tham dự lễ truy điệu vào vị trí (theo điểm 1, điểm 2 của điều 9 quy định này) để tiến hành làm lễ truy điệu cho người từ trần.

- Đồng chí làm công tác tổ chức tiếp tục mời 6 đảng viên (do chi bộ cử ra) vào vị trí: 04 đồng chí đứng túc trực linh cửu, 02 đồng chí đứng 2 bên lễ đài nhìn xuống để chuẩn bị làm lễ truy điệu cho người từ trần. Trường hợp đảng viên là hội viên hội Cựu chiến binh thì đồng chí chủ tịch hội phối hợp chỉ đạo nghi thức phủ quân kỳ.

- Khi các thành phần dự lễ truy điệu đã vào vị trí, đồng chí làm công tác tổ chức hô “Nghiêm … khởi hành truy điệu đồng chí ….. chính thức bắt đầu”.

+ Nêu lý do, công bố danh sách Ban tổ chức lễ tang.

+ Giới thiệu các đoàn lên dâng hương (cấp trên trước, cấp dưới sau; tập thể trước, gia đình,dòng họ sau).

+ Giới thiệu đồng chí trưởng ban hoặc phó ban lên đọc điếu văn truy điệu người từ trần.

- Đồng chí trưởng ban hoặc phó ban đọc điếu văn truy điệu (trong lời điếu kết thúc phải có câu phút mặc niệm bắt đầu và cử nhạc Hồn tử sĩ).

- Đồng chí làm công tác tổ chức mời đại diện gia đình, dòng họ lên phát biểu ý kiến.

- Đồng chí làm công tác tổ chức công bố kết thúc lễ truy điệu và giao lại cho gia đình làm các thủ tục theo phong tục địa phương.

Chương II

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Điều 10. Ban Thường vụ Đảng ủy; thường trực HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể, các hội đặc thù; chi ủy, chi bộ trực thuộc Đảng ủy có trách nhiệm thi hành quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa đề cập hoặc có khó khăn vướng mắc, phản ánh về Ban thường vụ Đảng ủy để xem xét sữa đổi bổ sung./.

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc